A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thư viện thân thiện Trường tiểu học Vạn Thắng 2

THƯ VIỆN THÂN THIỆN TRƯỜNG TIỂU HỌC VẠN THẮNG 2
NƠI  CHUNG TAY XÂY DỰNG,  DUY  TRÌ  VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA ĐỌC

THƯ VIỆN THÂN THIỆN TRƯỜNG TIỂU HỌC VẠN THẮNG 2

NƠI  CHUNG TAY XÂY DỰNG,  DUY  TRÌ  VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA ĐỌC

        Đã từ lâu thư viện được coi là “ kho vàng” của nền văn hóa dân tộc. Là một trong những yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục, thư viện trường học là bộ phận không thể thiếu trong việc hình thành môi trường văn hóa học đường. Thư viện sẽ khơi nguồn và thỏa mãn những nhu cầu về thông tin, tri thức của thầy cô giáo và học sinh. Hơn thế nữa, thư viện còn là trung tâm thông tin văn hóa cộng đồng.

        Trong bản ghi nhớ về vấn đề Học tập suốt đời của Ủy ban Châu Âu thì “Mọi người cần phải được trang bị các kỹ năng học hỏi, thích ứng với sự thay đổi và hiểu được quá trình luân chuyển của các dòng thông tin”. Điều này cũng khẳng định, mọi người sống trong một thế giới hiện đại, luôn chuyển động như hiện nay, sự hình thành năng lực, kỹ năng của con người đều phải thông qua quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin. Trong các phương tiện hỗ trợ con người thực hiện quá trình ấy, sách, tài liệu là một trong những phương tiện hữu ích nhất. Có thể nói không quá rằng sự hình thành đạo đức, phẩm giá và nhân cách con người một phần là do đọc sách.

       Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nói về nguồn gốc của văn chương là “Lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài”. Văn chương hướng con người tới Chân, Thiện, Mỹ giúp con người hoàn thiện nhân cách để trở nên hữu ích cho xã hội. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, sự tác động của văn hóa đọc với sự hình thành cá tính và nhân cách ở  lứa tuổi thiếu nhi (từ 5- 14 tuổi) đặc biệt là lứa tuổi học sinh tiểu học (7- 11 tuổi) là rất mạnh mẽ. Do ở lứa tuổi đó, các em còn chưa tự định hướng trong tiếp nhận thông tin nên việc sử dụng và biến sách báo tài liệu trở thành công cụ và phương tiện để giáo dục là việc làm hữu ích và đem lại hiệu quả to lớn. 

      Tuy nhiên một thực trạng hiện nay là trẻ em đang bị chi phối bởi rất nhiều các phương tiện và văn hóa nghe nhìn khiến chúng trở nên không còn hứng thú với việc đọc sách. Việc cấm các em sử dụng các thiết bị hiện đại với ý nghĩ việc làm đó thúc đẩy hứng thú đọc sách (do không có gì để chơi) nhiều khi lại phản tác dụng. Điều chúng ta nên làm hơn để thúc đẩy nhu cầu và hứng thú đọc sách cho các em lứa tuổi tiểu học là tạo ra môi trường đọc sách hiện đại, thân thiện, biến những cuốn sách và thư viện trở thành thú vị, dần dần xây dựng xã hội đọc sách và cao hơn là xã hội học tập.

      Trên bình diện thư viện trường học, việc xây dựng môi trường đọc sách gần gũi thân thiện trở nên cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Làm sao để  thư viện trong nhà trường  lâu nay vẫn bị ví với “kho tàng sách bụi bặm” có thể phát huy vai trò hỗ trợ giáo dục đào tạo, trở thành những nơi chốn thú vị, không chỉ kích thích đọc sách mà còn là môi trường khơi gợi sự sáng tạo, công cụ góp phần hoàn thiện nhân cách cho các em học sinh trong nhà trường đã và đang là những trăn trở của BGH trường Tiểu học Vạn Thắng 2.

      Thực hiện công văn số 1022/KH-PGD&ĐT ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện kế hoạch hoạt động thư viện năm học 2018-2019 và công văn số 1031/PGD&ĐT-GDTH ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức chuyên đề về công tác thư viện trong trường tiểu học; từ đầu tháng 11 Trường Tiểu học Vạn Thắng 2 lên kế hoạch xây dựng thư viện thân thiện với mục tiêu và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhà trường.

       Mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất và ảnh hưởng của thời tiết, cùng với sự lãnh đạo, sự nổ lực chung tay của tập thể nhà trường sau một tháng thực hiện kế hoạch xây dựng thư viện thân thiện, thư viện Trường tiểu học Vạn Thắng 2 đã có những thay đổi và đạt được thành quả cụ thể như:

      “Thư viện thân thiện” đa dạng hóa các loại hình hoạt động với không gian đa chức năng gồm có các góc hoạt động khác nhau như: góc đọc, góc viết, góc nghệ thuật, góc lịch sử văn hóa địa phương, góc trò chơi, góc thầy cô kể chuyện... Trong thư viện, các loại đồ dùng thiết bị đã được trang bị đầy đủ theo quy định như: tủ, giá sách, bàn ghế, hệ thống bảng biểu, khẩu hiệu... và được bố trí thành góc đọc sách, góc viết, sáng tạo nghệ thuật... phù hợp với học sinh, tạo nên cảnh quan thân thiện, gần gũi, giúp các em được đọc, vui chơi giải trí.

       Thư viện được hoạt động theo xu hướng mở, lúc nào học sinh cũng có thể tìm sách, đọc sách và các loại tài liệu mà các em yêu thích. Những ngày hè, thư viện vẫn hoạt động. Mỗi góc của thư viện đều có một chức năng riêng biệt, thú vị.

        Điển hình như ở góc đọc, học sinh được cán bộ thư viện giúp rèn luyện kỹ năng đọc bằng cách giới thiệu sách, hướng dẫn cách chọn sách đọc. Sau khi đọc xong một cuốn sách, các em tập tóm tắt nội dung mình vừa đọc vào cuốn sổ tay. Tương tự như vậy, ở góc viết, học sinh có thể ghi lại những cảm xúc của mình về trường lớp, thầy cô, bạn bè, chuyện học hay bất kỳ tâm tư, cảm nhận nào về cuộc sống.

       Tháng 12 năm 2018 thư viện được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đây chính là người bạn đồng hành cùng các em học sinh trong trường. Tất cả hoạt động trong thư viện đều đem lại niềm vui, sự sáng tạo, nuôi dưỡng sự thân thiện giữa thầy và trò, giữa lớp với trường, giữa học sinh với sách vở, số lượng bạn đọc đến thư viện ngày càng đông. Đến với thư viện, các em tiếp thu những kiến thức mới, đặc biệt là vừa được vui chơi, vừa được thư giãn ngay trong trường học.

       Được biết, mỗi tuần, học sinh có 2 tiết đọc sách tại thư viện. Các em được cán bộ thư viện và cô giáo chủ nhiệm đọc cho nghe những cuốn sách hay, giới thiệu những cuốn sách hấp dẫn. Mỗi năm, nhà trường thường tổ chức các cuộc thi kể chuyện hay, đọc truyện diễn cảm... để các em tìm đến sách nhiều hơn.

       Đến với thư viện các em không chỉ đọc sách tại thư viện mà còn mượn sách về nhà để đọc cùng người thân, đọc cho mọi người trong gia đình cùng nghe. Những việc làm ấy đã lan tỏa và khơi gợi được thói quen đọc sách cho nhiều gia đình. 

      Thói quen đọc được duy trì trong  mỗi gia đình bắt đầu từ những việc dường như rất bình thường đó. Mỗi em học sinh vừa là thành viên vừa là tuyên truyền viên tích cực trong việc duy trì và phát huy văn hóa đọc trong nhà trường cũng như trong cộng đồng. Từ những việc làm hết sức tự nhiên của các em học sinh mà giờ đây nhu cầu đọc đã được nhân lên. Đây cũng là môi trường khơi gợi, nhân rộng phong trào đọc sách, báo không chỉ dành cho các em học sinh mà còn dành cho tất cả các bậc phụ huynh và khách đến thăm trường, góp phần đưa văn hóa đọc phát triển sâu rộng tới mọi người. 

Thư viện thân thiện trong trường học có vị trí vai trò, nhiệm vụ và chức năng vô cùng quan trọng. Nó là động lực đóng góp vào việc cải tiến giáo dục nhà trường nhằm sử dụng các nguồn tài liệu để hỗ trợ cho việc học tập, giảng dạy trong nhà trường.  Nó chỉ có thể được quản lý và phát huy tác dụng tích cực khi công tác thư viện được tổ chức tốt.

Tổ chức hoạt động thư viện nhằm thoả mãn nhu cầu tìm hiểu kiến thức cho giáo viên và học sinh là một yêu cầu khách quan không thể thiếu được. Chỉ có như vậy mới phát huy văn hóa đọc cho thế hệ tương lai của đất nước, và hướng tới cho thế hệ ấy một thói quen tốt sao cho không thờ ơ với những kho tri thức vô tận ngay trong chính ngôi trường của mình. 

Để làm được điều đó, một mình cán bộ thư viện chưa đủ, mà rất cần sự chung tay góp sức của nhà trường, gia đình,  xã hội và tất cả chúng ta.

Vạn Thắng ngày 27 tháng 11 năm 2018

                        Người viết 

           Nguyễn Thị Bảo Quỳnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết